“Cả quyết sửa lỗi mình”
“Cả quyết sửa lỗi mình” là điều thứ ba trong trang đầu với nhan đề Tư cách một người cách mệnh của cuốn Đường cách mệnh, cuốn sách tập hợp những bài giảng của Hồ Chí Minh cho các lớp của Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, rồi được “Bị áp bức dân tộc Liên hợp hội Tuyên truyền Bộ” ấn hành năm 1927.
TẠI SAO PHẢI “CẢ QUYẾT SỬA LỖI MÌNH”?
Hồ Chí Minh là người có tài khái quát. Trong vô vàn mối quan hệ phong phú, đan xen hàng ngày, Hồ Chí Minh quy vào ba nhóm quan hệ cơ bản: 1) Đối với mình; 2) Đối với người; 3) Đối với việc.
Trong phần Tư cách một người cách mệnh của cuốn sách Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh gọi đó là: “Tự mình”; “Đối người”; “Làm việc”. Trong ba mối quan hệ đó, việc xử lý mối quan hệ tự mình đối với bản thân mình là khó khăn nhất. Vì sao? Bởi vì con người là khó giác ngộ nhất, đặc biệt là đứng trước các cám dỗ thường ngày.
Mở rộng ra, trong một tổ chức chính trị hay chính trị - xã hội, bao giờ cũng có người thế này thế nọ. Hồ Chí Minh cho rằng, trong Đảng ta cũng có khuyết điểm: “Khuyết điểm đâu mà nhiều thế? Đảng ta là một Đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy, có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”(1).
Nhìn lại hơn 35 năm qua, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đó là nhìn một cách tổng quát. Còn nhìn sâu vào từng mặt thì đáng chú ý là đạo đức của con người ở nơi này nơi nọ, lúc này hay lúc khác, có những biểu hiện đáng báo động. Người tốt có nhiều nhưng người xấu, kém, kể cả ở trong Đảng, cũng không ít.
Có thể nói rằng, có lúc, có nơi có sự lệch pha giữa tăng trưởng kinh tế với xây dựng đạo đức con người. Từ nhận định của Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII: “Trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một số bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước chậm được củng cố và đổi mới”(2) thì cho đến nay, tình hình đó có được cải thiện nhưng chưa được nhiều. Các Hội nghị Trung ương và các Đại hội toàn quốc của Đảng lại nêu rõ thêm: trong Đảng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đáng chú ý là trong số đó có cả một số cán bộ cấp cao, mặt khác, còn có cả tình trạng “tự chuyển hóa”, “tự chuyển biến” trong nội bộ. Những tin tức được đưa trên các phương tiện thông tin báo chí của nước ta về sự vi phạm đạo đức của con người, trong đó có cán bộ, đảng viên, làm cho chúng ta lo ngại.
MỘT SỐ ĐIỂM NHẤN VỀ “CẢ QUYẾT SỬA LỖI MÌNH” HIỆN NAY
Thứ nhất, phải kiên quyết và thường xuyên.
Con người ta, nhất là cán bộ, đảng viên, phải luôn luôn tự phê bình và phê bình. Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”(3); “Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa…Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”(4). Người cho rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(5); rằng, “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(6).
Thứ hai, phải giữ đúng tư cách đảng viên và tự giác sửa chữa khuyết điểm.
Con người ta, bất kể ai, từ người lãnh đạo chủ chốt đến đảng viên thường, đến người dân, đều có những biểu hiện tâm lý, tính cách hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, và các dục vọng: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục, pháp dục. Cán bộ nào có chức quyền càng cao thì càng bị thử thách, khảo nghiệm nhiều về những điều đó. Vấn đề là ở chỗ, để trở thành một đảng viên tốt, phải giữ đúng tư cách của người đảng viên, làm chủ bản thân mình.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã bàn và quyết nghị về công tác xây dựng Đảng vừa cơ bản, lâu dài vừa tập trung trọng tâm, cấp bách và hợp lòng dân.
Cho đến nay, đã 95 năm trôi qua (1927-2022), nhưng 23 điều Tư cách một người cách mệnh trong tác phẩm Đường cách mệnh của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị vì đó chính là giá trị văn hóa của người cách mạng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đảng “là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà:
Giàu sang không thể quyến rũ
Nghèo khó không thể chuyển lay,
Uy lực không thể khuất phục”(7).
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh nêu 4 chữ “thật, thật sự”: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(8). Đảng viên phải là “đầy tớ”, “công bộc” của nhân dân - nêu lên như thế thì đã thấy đặc biệt, nhưng Hồ Chí Minh còn nêu một cách “bắt mắt”, “bắt tai” hơn. Khi Đảng ta ra công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam theo Quyết định của Đại hội II, tháng 2/1951, thì tại Lễ ra mắt Đảng, tháng 3/1951, Người nói: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề, nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(9).
Phải nêu cao tinh thần tự giác, tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Tự phê bình và phê bình, nói như Hồ Chí Minh, là “thang thuốc hay nhất” để chữa chỗ dở và phát huy cái tốt. Chẳng thế mà trong nguyên tắc xây dựng đảng vô sản kiểu mới, V.I.Lênin nêu lên nguyên tắc phải giữ kỷ luật sắt của đảng đồng thời đó phải là kỷ luật tự giác. Hồ Chí Minh cũng nhiều lần nhắc lại nguyên tắc này của V.I.Lênin.
Cách đây hơn 2.500 năm, ở phương Đông, Thích Ca Mâu Ni và Khổng Tử đã coi trọng vấn đề cá nhân con người tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Phật gia chú trọng hướng nội để tu luyện bản thân; phải từ bản ngã, từ cái tôi để ngộ, ngộ để hành, hành không những cho cá nhân mình mà còn cho đại sự. Học thuyết Khổng Tử nhấn mạnh: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tất cả đều nhấn mạnh tính hướng nội, tức là đề cập vai trò cá nhân tự giác ngộ, tự răn mình để thuận thiên nhi hành, làm điều tốt, điều thiện, tránh điều xấu, điều ác.
Thứ ba, phải có nhận thức đúng về mục đích và phương pháp tự sửa lỗi mình.
Mục đích của tự phê bình và phê bình, theo Hồ Chí Minh, là làm cho phần tốt trong mỗi con người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi. Đơn giản vậy thôi, nhưng trong cuộc sống đạt được như thế thật không đơn giản vì không chú trọng đến phương pháp tiến hành.
Hồ Chí Minh nêu một số phương pháp tự sửa lỗi mình là: 1) Kiên quyết/cả quyết, tức là đòi hỏi tự mình phải nghiêm khắc với chính bản thân mình, tự mình phải khép vào cương lĩnh, đường lối, điều lệ, quy định, và nói chung là kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của đoàn thể. 2) Phải tiến hành thường xuyên, bền gan, bền chí, như người ta rửa mặt hằng ngày. 3) Phải trung thực, không giấu giếm, tránh kiểu “giấu bệnh sợ thuốc”. 4) Khi tự thấy hoặc người khác chỉ cho mình thấy khuyết điểm, sai lầm của mình rồi, thì phải kiên quyết và nghiêm khắc tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm sai lầm đó, tránh tình trạng thấy rồi bỏ đấy, hoặc cứ hứa với tập thể hoặc tự hứa sửa chữa nhưng không sửa, thành thử khuyết điểm, sai lầm cứ chất chồng nhiều thêm. Hứa, hứa và hứa nhưng bỏ đấy không làm là căn bệnh của không ít người hiện nay.
Thứ tư, nói phải đi đôi với làm.
Hồ Chí Minh đã nêu nội dung này ngay trong trang đầu cuốn sách Đường cách mệnh: “Nói thì phải làm”(10) và kích hoạt khẩu hiệu “xắn tay áo làm”(11) khi về thăm và nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hoá, tháng 2/1947 trước khi cùng Trung ương Đảng trở lại Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Có bốn biểu hiện căn bệnh hiện nay chưa chữa được: 1) Nói nhiều nhưng làm thì ít. 2) Nói thì hay nhưng làm thì dở. 3) Nói nhưng không làm. 4) Nói một đằng làm một nẻo. Cho nên, có người cho rằng, xa nhất ở nước ta tính về mặt đất liền không phải là từ mũi Sa Vĩ, Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh đến Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang (tính theo đường bờ biển), xa nhất không phải từ Lũng Cú của tỉnh Hà Giang đến mũi Cà Mau (tính theo vĩ tuyến), mà xa nhất là từ lời nói đến hành động. Nói đi đôi với làm là phải kiên quyết sửa lỗi và tự đặt ra cũng như tích cực, kiên quyết thực hiện cho bằng được kế hoạch hành động.
Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quyết tâm đạt mục tiêu trở thành một nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa (đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đó cũng là thực hiện điều mà Hồ Chí Minh đã tiên lượng trong Di chúc: phấn đấu “giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ”(12) “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(13). Những cái cũ kỹ, hư hỏng đó chính là những cái xấu, khuyết điểm, sai lầm của con người. “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” như tiêu đề văn bản hành chính mà Hồ Chí Minh nêu sau câu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” là khát vọng non sông, khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Khát vọng đó luôn đi liền với việc cả quyết sửa lỗi của mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên./.
GS. TS. Mạch Quang Thắng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
____________________
(1) (3) (4) (6) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.301-302, 279, 273, 301, 77.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2015, t.58, tr.57-58.
(5) (8) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672, 612, 617.
(7) (9) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.50, 50, 617.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.280.