Saturday, 20/04/2024 - 18:38|
Chào mừng các bạn ghé thăm Cổng thông tin điện tử của Phòng GD&ĐT huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUT CORONA (2019-nCoV)

Trên cơ sở theo dõi tình hình thực tế và kế hoạch học tập năm học 2019- 2020, trường Tiểu học Yên Phú xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona.

Thực hiện Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 31/01/2020 của UBND huyện Yên Mỹ; Kế hoạch số 44/KH-PGDĐT ngày 01/02/2020 của Phòng GDĐT Yên Mỹ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn huyện Yên Mỹ.Trên cơ sở theo dõi tình hình thực tế và kế hoạch học tập năm học 2019- 2020, trường Tiểu học Yên Phú xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona (2019-nCoV) để tổ chức thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung.

Xác định công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách đối với các tổ chức trong nhà trường. Quản lý, giám sát được các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao; phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do 2019-nCoV, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.

2. Mục tiêu cụ thể.

Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại nhà trường.

Phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do 2019-nCoV đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào nhà trường.

Khoanh vùng dịch và các đối tượng nghi ngờ bị nhiễm bệnh, phối hợp với cơ sở y tế xử lý kịp thời triệt ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng và các trường trên địa bàn xã.

Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, trong nhà trường

Phối hợp với cơ sở y tế đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng ra cộng đồng và các trường khác.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại nhà trường.

1.1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện.

- Chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại nhà trường. Tổ chức kiểm tra đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch. Báo cáo kịp thời về diễn biến tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện chỉ đạo điều hành của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

- Tổng hợp báo cáo về hình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

- Chỉ đạo dừng tất cả các hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm, hoạt động trải nghiệm; hạn chế tối đa các hoạt động tập thể; hạn chế đến các khu chợ bán đồ tươi sống, những nơi tụ tập đông người; ăn chín, uống sôi; không nên tiếp xúc với động vật và chất thải của động vật; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mọi người.

- Hàng ngày, thực hiện việc theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe học sinh qua phụ huynh, giáo viên tại trường học, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh dịch, tổng hợp báo cáo theo buổi học về hình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên; sau khi đi học lại tất cả các trường hợp sốt đều phải nghỉ học, nghỉ làm việc và đến cơ sở y tế để khám, điều trị và thông tin với nhà trường kết luận của cơ quan y tế. Khi có bệnh dịch xảy ra tại trường học tuyệt đối không được giấu dịch, phải báo cáo ngay với cơ quan quản lý cấp trên và phối hợp với cơ quan y tế địa phương giám sát, xử lý ổ dịch theo qui định.

- Triển khai ngay các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại trường học, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho trẻ em, học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Phối hợp với cơ quan y tế thực hiện vệ sinh, tẩy trùng 100% diện tích trường, lớp học và các thiết bị dạy học.

1.2. Công tác truyền thông.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; giáo dục để mỗi học sinh là một tuyên truyền viên trong việc tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.

- Thường xuyên, kịp thời cung cấp các thông tin đến cán bộ, giáo viên, nhân viên về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc và nguy cơ xâm nhập vào địa bàn. Phát hành các thông điệp truyền thông, các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, để cán bộ, giáo viên, nhân viên và người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp tốt các biện pháp phòng bệnh.

- Thực hiện nghiêm quy định phát ngôn; theo dõi, xử lý kịp thời các hành vi phát tán thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận.

2. Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào nhà trường.

2.1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện.

- Chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh; phối hợp giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại nhà trường.

- Theo dõi sát diễn biến, đánh giá tình hình hàng ngày, tham mưu kịp thời với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp để chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

- Trong trường hợp khi phát hiện CB, GV, NV, HS mà cơ sở y tế kết luận bị viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV phải báo cáo UBND cấp huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến phương án tổ chức các hoạt động giáo dục.

- Thực hiện quy chế người phát ngôn về tình hình dịch bệnh theo quy định.

2.2. Công tác truyền thông.

- Cập nhật tình hình dịch bệnh, thông báo cho các cơ quan báo chí, cộng đồng. Tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông.

- Thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên website của nhà trường. Phối hợp tăng cường thời lượng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Duy trì hoạt động đường dây nóng của trường (SĐT 0978844177 hoặc 0332035612).

- Cập nhật, bổ sung các thông điệp truyền thông, các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

- Đẩy mạnh truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở điều trị và cộng đồng.

- Phối hợp xử lý các tin đồn về tình hình dịch bệnh ngăn chặn kịp thời các thông tin phóng đại, thông tin sai, không chính xác về tình hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng và nhà trường.

3. Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong trường học.

3.1. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện.

- Trong trường hợp khi phát hiện cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh mà cơ sở y tế kết luận bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra lây lan trong nhà trường phải báo cáo UBND xã, UBND huyện (qua Phòng Giáo dục và Đào tạo) xin ý kiến phương án cho học sinh nghỉ học.

- Báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh hàng ngày, tham mưu với UBND xã, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp thường trực chỉ đạo, huy động nguồn lực, triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các đơn vị cơ sở.

- Thường xuyên đánh giá hiệu quả các biện pháp đáp ứng để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.

3.2. Công tác truyền thông.

- Hàng ngày cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên website của trường. Phối hợp tăng cường thời lượng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Duy trì hoạt động đường dây nóng của trường.

- Thường xuyên cập nhật các thông tin, các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

- Thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống cho báo chí.

- Không tổ chức các hoạt động giáo dục tập trung đông người, tiếp xúc với người mắc bệnh; hướng dẫn sử dụng phòng hộ cá nhân.

- Tổ chức tuyên truyền trực tiếp hướng dẫn cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tại vùng ổ dịch về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nếu có biểu hiện mắc bệnh thì đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

- Liên tục theo dõi và quản lý các tin đồn về tình hình dịch bệnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các thông tin sai, không chính xác về tình hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU.

1. Tổ chức, chỉ đạo.

- Phân công các đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, chủ tịch công đoàn, Bí thư Đoàn TN, Tổng phụ trách Đội chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND huyện, hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị .

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác truyền thông nguy cơ phòng, chống dịch bệnh tại nhà trường.

- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và người dân.

- Phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát trường hợp bệnh tại cộng đồng.

- Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch (phụ cấp chống dịch, trực dịch ...).

2. Nguồn lực tài chính.

Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, trước mắt sử dụng kinh phí nhóm II cho công tác phòng, chống dịch để thực hiện.

3. Truyền thông giáo dục sức khỏe.

- Thông báo diễn biến, tình hình dịch bệnh hàng ngày của trường trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương, các trang tin điện tử.

- Chỉ đạo các hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch, phổ biến các biện pháp phòng, chống thông thường, tăng cường vệ sinh cá nhân, nâng cao thể trạng, hạn chế đi đến các vùng có ổ dịch... để cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và người dân có kiến thức tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, không hoang mang hoặc chủ quan.

- Tuyên truyền trực tiếp (tờ rơi, phát thanh) cho các đối tượng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo về phòng chống bệnh viêm phổi cấp do 2019-nCoV.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị, tổ chức triển khai công tác vệ sinh môi trường, khử trùng, tiêu độc.

- Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chức năng về công tác phòng chống dịch bệnh. Làm tốt công tác truyền thông về phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, tuyệt đối không được đưa tin giả, sai sự thật lên các trang mạng xã hội; trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

 

Kế hoạch này sẽ được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời để phù hợp với diễn biến của tình hình dịch cũng như quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch trên thực tế./.

 

Nơi nhận:

- PGD, BCĐ xã (để BC)

- HT, PHT; GVCN, Các tổ chức;

- Lưu: VT.

HIỆU TRƯỞNG

 

 

Hoàng Hữu Sinh.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết