Những ngày đầu năm 2022 nhìn lại các chính sách giáo dục nổi bật trong năm 2021
Những ngày đầu của năm 2022, chúng ta hãy cùng nhìn lại những chính sách nổi bật của giáo dục trong năm 2021.
Năm 2021 là một năm đặc biệt, khi mà tình hình dịch bệnh Covid còn diễn biến phức tạp bên cạnh những chính sách mới về giáo dục như Luật Giáo dục, Luật Lao động,… có hiệu lực nên đã kéo theo rất nhiều chính sách liên quan giáo dục có nhiều thay đổi.
Những ngày đầu của năm mới 2022, người viết xin chia sẻ một vài nhận định để được cùng bạn đọc là quý nhà giáo đồng nghiệp trên cả nước nhìn lại những chính sách nổi bật của giáo dục trong năm 2021 tác động ảnh hưởng đến đội ngũ nhà giáo trong năm mới 2022 và những năm tiếp theo.
Thứ nhất, chính thức tăng tuổi nghỉ hưu giáo viên
Từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của giáo viên sẽ tăng dần qua các năm. Cụ thể, khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.”
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp giáo viên có thể nghỉ hưu trước tuổi quy định như: giáo viên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn bao; giáo viên bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%...
Đối với giáo viên mầm non cũng được đề xuất thuộc đối tượng nghỉ hưu trước tuổi nhưng hiện chưa có quyết định chính thức.
Nhiều ý kiến cho rằng nghề giáo là nghề đặc thù, nếu tăng tuổi hưu giáo viên nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp sẽ khó tìm việc hơn,…
Ảnh minh họa: Laodong.vn |
Thứ hai, Bộ Giáo dục ban hành 4 Thông tư về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông
Điểm nổi bật của các Thông tư này là quy định mới về cách bổ nhiệm, xếp lương của giáo viên các cấp. Theo đó, từ ngày 20/3, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng như sau:
Giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 – 6,38 (hiện áp dụng hệ số dao động từ 1,86 – 4,98); Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 – 6,78 (hiện nay hệ số lương của nhóm này dao động từ 1,86 – 4,98); Giáo viên trung học cơ sở áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 – 6,78 (hiện hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 – 6,38); Giáo viên trung học phổ thông áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 – 6,78 (tương đương hạng cũ);
Như vậy, tùy vào hạng chức danh, nhìn chung lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều được điều chỉnh tăng so với hiện nay.
Tuy nhiên đến tháng 12/2021 hầu như các địa phương vẫn chưa thể tiến hành bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mới do bất cập, bất công của chùm Thông tư mới và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa đổi bất cập của chùm Thông tư trên.
Thứ ba, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 và các năm tiếp theo cơ bản giữ ổn định
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (gọi tắt là Quy chế) ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 27/4/2021.
Các nội dung cơ bản giữ lại những điểm hợp lý của các kỳ thi các năm trước và có sửa đổi một số nội dung về điều kiện dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 như sau:
Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình giáo dục thường xuyên thì không yêu cầu xếp loại loại.
Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Quy chế phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 (năm) điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi đăng ký dự thi), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định;...
Thứ tư, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, 2, 6
Theo lộ trình, năm học 2021 - 2022 học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 51/2017/QH14.
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 05/9/2021 nhưng chỉ áp dụng ngay trong năm học 2021 - 2022 đối với học sinh lớp 6. Các khối lớp khác được áp dụng theo lộ trình.
Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 05/9/2021. Theo đó, có nhiều điểm đáng chú ý:
Xếp loại học sinh theo 4 mức (Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt): Thông tư 22 xếp loại học lực và hạnh kiểm của học sinh theo các mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt, thay vì xếp loại học lực là Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu và xếp loại hạnh kiểm là Tốt, Khá, Trung bình, Yếu như trước đây.
Xóa bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến: Thông tư 22 không còn quy định về danh hiệu học sinh tiên tiến mà chỉ khen tặng danh hiệu học sinh giỏi và học sinh xuất sắc.
Không còn phân biệt môn chính, môn phụ: Cụ thể, Điều 9 Thông tư này quy định, học sinh sẽ được xếp loại học lực ở mức Tốt nếu tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét được ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số có điểm trung bình môn từ 6,5 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình môn từ 8,0 trở lên.
Trong khi đó, theo quy định cũ, để được xếp loại học lực giỏi, học sinh phải đạt điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của một trong ba môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ phải đạt từ 8,0 trở lên (điểm a khoản 1 Điều 13 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT).
Như vậy, theo Thông tư mới, tất cả các môn đều được tính điểm như nhau, không chỉ riêng Toán, Văn, Ngoại ngữ.
Có đến 6 môn không còn được chấm điểm: Điểm a khoản 3 Điều 5 của Thông tư 22 quy định đánh giá bằng nhận xét đối với các môn học: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Các môn học còn lại được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số.
Trước đây, tại Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, chỉ có môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục được đánh giá bằng nhận xét.
Thứ năm, công nhận dạy và đánh giá dạy học trực tuyến
Thông tư 09/2021/BGDĐT về dạy học trực tuyến Thông tư này quy định người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp tại trường.
Tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.
Tuy nhiên rất tiếc, Bộ Giáo dục và Đào tạo không ban hành quy định cụ thể về việc quy đổi tiết dạy từ trực tuyến sang trực tiếp nên đến giai đoạn hiện nay các địa phương không thể ban hành quy định quy đổi khiến giáo viên chịu nhiều thiệt thòi.
Thứ sáu, đào tạo chứng chỉ sư phạm chính thức trở lại sau 7 năm tạm dừng
Ngày 5/4/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT về việc ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT về việc ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông (gọi tắt là Thông tư 11 và Thông tư 12).
Theo Thông tư Ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bắt đầu từ ngày 22/5, các cơ sở được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lại.
Thông tư tạo điều kiện cho các sinh viên giỏi nhưng các chuyên ngành khác ngoài sư phạm được có cơ hội trở thành giáo viên.
Thứ bảy, giáo viên từ khối 7 đến khối 12 được sử dụng giáo án hiện hành
Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học cho năm học 2021-2022.
Theo đó, năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục trung học thực hiện đồng thời chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 6 và chương trình giáo dục phổ thông 2006 với các lớp 7 đến lớp 12.
Theo Công văn này, chỉ giáo viên dạy lớp 6 mới áp dụng hướng dẫn của Công văn 5512 từ năm học 2021-2022. Đồng thời, mẫu giáo án mới ban hành kèm Công văn 5512 cũng chỉ mang tính tham khảo với giáo viên thay vì “bắt buộc” tất cả các giáo viên phải thực hiện như Công văn 5512 đã từng yêu cầu.
Thứ tám, quy định mới về thời gian và hình thức đào tạo trình độ tiến sĩ
Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, quy định về thời gian và hình thức đào tạo như sau:
Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 4 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này.
Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 1 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 6 năm (72 tháng)... Hiện hành, quy định thời gian gia hạn tối đa là 24 tháng.
Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian.
Thứ chín, chính thức bỏ chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ, các chứng chỉ chức danh giáo viên hạng I, II, III, IV
Nghị định 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực 10/12 có quy định:
Không quy định việc bắt buộc quy định chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học trong việc tuyển dụng, thăng hạng,…
Bỏ các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I, II, III, IV mà thay bằng 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, thời gian bồi dưỡng cũng giảm từ 6-8 tuần trước đây còn 6 tuần.
Thứ mười, quy định mới về thăng hạng giáo viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT về thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực 15/01/2022.
Thông tư thăng hàng áp dụng các quy định mới về thi, xét thăng hạng giáo viên theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, vì Thông tư ban hành trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên nên về thời gian áp dụng và thực thi sẽ còn chờ một thời gian dài.
Trên đây là một số chính sách mới về giáo dục trong năm 2021 xin được chia sẻ cùng bạn đọc quan tâm.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.