Trách nhiệm của đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
(Thanhuytphcm.vn) - Theo Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Thoạt nhìn, các nội dung này có vẻ rất lớn, là trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, của cả hệ thống chính trị… nhưng trên thực tế, tất cả đều liên quan đến trách nhiệm cá nhân của các đảng viên.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách của nhiệm của tất cả các đảng viên.
(Thanhuytphcm.vn) - Theo Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Thoạt nhìn, các nội dung này có vẻ rất lớn, là trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, của cả hệ thống chính trị… nhưng trên thực tế, tất cả đều liên quan đến trách nhiệm cá nhân của các đảng viên.
Đối với mỗi đảng viên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nói, viết và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Đây là một yêu cầu rất quan trọng và mỗi đảng viên phải thể hiện trách nhiệm cao trong công tác, hoạt động, sinh hoạt, sử dụng mạng xã hội… Chẳng hạn, Điều lệ Đảng ghi: “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”, tất cả các đảng viên không thể hoài nghi mục đích đó; bản thân nếu chưa rõ thì cần nghiên cứu lại các tài liệu, nhất là giáo trình các lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị, hỏi các chuyên gia… Sẽ không thể chấp nhận nếu có hiện tượng đảng viên nghi ngờ định hướng đó, rồi đi tán phát các thông tin, ý kiến cho rằng “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là không có thật”, rằng “chủ nghĩa xã hội đã không thể thành hiện thực ngay ở quê hương Cách mạng tháng Mười thì không thể thành công ở nơi khác” (!)…
Hay ở nội dung “bảo vệ công cuộc đổi mới”, mỗi đảng viên cần có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa và thành tựu của công cuộc đổi mới trong hơn 35 năm qua. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhận định, những thành tựu đạt được 5 năm qua (2016 – 2020) là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta qua nhiều nhiệm kỳ đại hội, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm đổi mới. Yếu tố “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” của 35 năm đổi mới là một đánh giá đúng cả về mặt lý luận lẫn mặt thực tiễn. Những người đã trải qua giai đoạn này đều thấy rõ, sự tiến bộ của xã hội, sự phát triển của đất nước, chất lượng sống của người dân… đã được nâng cao rõ rệt và đặt nền móng quan trọng để nước ta trở thành nước công nghiệp, phát triển trong thời gian tới.
Hoặc ở nội dung “giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”, nhận thức và hành động của mỗi đảng viên đều có ý nghĩa thiết thực, cụ thể. Trên thực tế, đôi lúc đã có hiện tượng đảng viên thiên tả hoặc thiên hữu khi bày tỏ quan điểm về vấn đề hòa bình của đất nước. Bởi có đảng viên cho rằng Đảng cần có phương án, giải pháp “thân thiết” với một số nước lớn để “cân bằng”, “làm đối trọng” với một số nước lớn khác, nhằm tránh sự “nhòm ngó” của một số thế lực xấu (!). Trái lại, cũng có đảng viên cho rằng phải cứng rắn với tất cả các quốc gia nào lăm le gây phương hại đến sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta; rằng sẵn sàng chiến đấu và chấp nhận hy sinh để trả đũa bất cứ hành vi nào vi phạm chủ quyền của nước ta... Cả hai quan điểm đó đều không phù hợp; nếu đảng viên nào bày tỏ ý kiến tán đồng, làm lan truyền quan điểm đó… thì đang vi phạm định hướng, chủ trương của Đảng, tức là đang phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đặc biệt, vấn đề “bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc” về hình thức có thể dễ làm mọi người đồng thuận, nhưng có khi, một số người lại chưa hiểu đúng thế nào là lợi ích, từ đó có những suy nghĩ, ý kiến chưa phù hợp.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trao giải A cho các tác giả tại Lễ trao giải cuộc thi viết chính luận khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. (Ảnh: Tapchicongsan.org.vn)
Từ đó có thể thấy rằng, mỗi đảng viên cần phải nghiên cứu sâu về nền tảng tư tưởng của Đảng để có thể bảo vệ một cách phù hợp, đúng đắn. Điều này liên quan trực tiếp đến việc học tập lý luận chính trị, nghiên cứu nghị quyết của Đảng, nắm bắt thông tin thời sự chính thống, lắng nghe có chọn lọc các thông tin, tích cực ghi nhận các ý kiến phản bác quan điểm sai trái, xấu độc… Từ nhận thức đúng đắn, đảng viên cần có những hành động phù hợp, như không làm lan truyền các thông tin sai trái, không “để mặc” những thông tin không đúng tác động đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm với việc chia sẻ những thông tin tích cực và không đăng tải ý kiến chủ quan, không phù hợp chủ trương, đường lối…
Tất cả những điều đó sẽ góp phần cùng cả hệ thống chính trị của Đảng hướng tới mục tiêu bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…
Như vậy, suy cho cùng, những việc hệ trọng của Đảng chính là việc của tất cả đảng viên và bắt đầu từ các đảng viên!
---Sưu tầm---