Friday, 19/04/2024 - 06:12|
Chào mừng các bạn ghé thăm Cổng thông tin điện tử của Phòng GD&ĐT huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỹ Năng Tự Suy Ngẫm Của Giáo Viên Trong Quá Trình Dạy Học

Đã bao giờ bạn tạo dựng lại một nhịp trong sự hối hả của công việc giảng dạy hàng ngày để tự hỏi: “Tại sao mình lại dạy những điều đó?” “Dạy những điều đó để làm gì?” “Liệu mình có cần phải thay đổi điều gì trong tiết học?”… Có thể nói tự suy ngẫm là một trong những con đường giúp bạn tự trưởng thành hơn về mặt chuyên môn cũng như trong chặng đường phát triển bản thân.

   Với công việc giảng dạy, việc tự suy ngẫm mang lại cho giáo viên cơ hội để suy nghĩ về những gì hiệu quả và những gì không hiệu quả trong lớp học của. Giáo viên cũng có thể sử dụng suy ngẫm giống như một phương pháp giảng dạy để phân tích và đánh giá các hoạt động dạy học trong và ngoài lớp học từ đó có những điều chỉnh cần thiết.

Tại sao tự suy ngẫm là một kĩ năng quan trọng?

   Những giáo viên hiệu quả đều thừa nhận một thực tế rằng, bất kể một bài học có hay đến đâu, có chuẩn bị kĩ đến mất, các chiến lược giảng dạy có sáng tạo đến mức độ nào cũng không thể tránh khỏi những sai lầm – Đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta luôn có thói quen tìm kiếm ý kiến từ chuyên gia hoặc đồng nghiệp. Tuy nhiên, những lời khuyên vẫn chỉ là những lời khuyên bởi lẽ, chuyên gia hay đồng nghiệp đều không có trải nghiệm trong lớp học mà bạn từng có. Tự suy ngẫm là một kĩ năng rất quan trọng, đó là một quá trình giúp bạn thu thập, ghi lại và phân tích mọi vấn đề đã xảy ra trong bài học từ đó cải thiện quá trình giảng dạy của mình.

Quá trình suy ngẫm

   Suy ngẫm để cải thiện và nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy là một quá trình. Bước đầu tiên là tìm ra những gì bạn muốn suy ngẫm – bạn đang muốn tập trung vào một đặc điểm cụ thể trong việc giảng dạy hay suy ngẫm về một vấn đề cụ thể về quản lý lớp học và hành vi học sinh trong lớp học của bạn? Dù vấn đề đó là gì đi chăng nữa thì vẫn bạn nên bắt đầu bằng việc thu thập thông tin. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể làm công việc thu thập thông tin này:

Nhật ký suy ngẫm

   Nhật ký là một cách dễ dàng để giúp bạn suy ngẫm về những gì đã xảy ra trong quá trình dạy học. Sau mỗi bài học, bạn chỉ cần dừng lại một vài phút, ghi lại một vài ghi chú mô tả cảm xúc, suy nghĩ của bạn, và ghi lại những phản ứng, phản hồi của học sinh. Nếu chi tiết hơn, bạn có thể chia nhật ký của mình thành các phần cụ thể, chẳng hạn như mục tiêu bài học, tài liệu giảng dạy, quản lý lớp học, học sinh, bản thân, v.v. Bằng cách này, bạn có thể tạo nên sự nhất quán với cách bạn đánh giá về sự tiến bộ của bản thân theo thời gian. Bạn có thể tìm thấy các câu hỏi cụ thể để tự hỏi mình bên dưới.

Quay video bài giảng

   Một đoạn video ghi lại tiết học của bạn sẽ rất có giá trị vì nó cung cấp một cách rõ ràng cụ thể những điều bạn cần thay đổi và những điều bạn có thể phát huy. Nó cho bạn được tận mắt trải nghiệm lại những khoảnh khắc trong tiết học. Sự trung thực từ các hình ảnh trong video sẽ giúp bạn phát hiện ra những lỗi sai mà có thể bạn chưa phát hiện ra khi giảng dạy. Nhiều trường đại học và các chương trình đào tạo giáo viên cũng sử dụng phương pháp này để giúp sinh viên cải thiện và nâng cao kĩ năng nghề nghiệp.

Mời học sinh dự giờ

   Học sinh rất thích được quan sát đưa ra phản hồi về tiết dạy của giáo viên. Bạn có thể phát một bản khảo sát hoặc bảng câu hỏi đơn giản sau bài học để học sinh hiểu được bài học đã diễn ra như thế nào. Hãy khuyến khích học sinh suy nghĩ kĩ về những câu hỏi chúng có thể đặt ra cho giáo viên cũng như những điểm mà học sinh nghĩ rằng tiết học cần thay đổi. Đó sẽ không chỉ là một cách để bạn suy ngẫm lại về tiết học của mình mà còn là một cơ hội học tập rất có ý nghĩa cho học sinh.

Mời đồng nghiệp dự giờ

   Hãy mời một đồng nghiệp vào lớp học và quan sát tiết dạy của bạn. Đừng ngại làm điều này, bởi lẽ nó sẽ thoải mái, dễ chịu hơn nhiều so với khi hiệu trưởng đến và theo dõi tiết dạy của bạn. Khi đó, bạn sẽ có thể giảng dạy một cách tự nhiên hơn và cung cấp cho đồng nghiệp của bạn góc nhìn trung thực về phương pháp giảng dạy của bạn. Để giúp đồng nghiệp có thể nhận xét, phản biện tiết dạy của bạn được rõ ràng hơn, hãy tạo một bảng câu hỏi (bạn có thể sử dụng một số câu hỏi bên dưới) để đồng nghiệp của bạn điền vào trong quá trình quan sát. Sau đó, hãy dành thời gian để đồng nghiệp có thể trao đổi thảo luận về những gì họ đã quan sát được.

Những câu hỏi đặt ra cho bản thân

   Cho dù bạn đang sử dụng nhật ký giảng dạy để suy ngẫm hay đang ghi nhận phản hồi từ học sinh và đồng nghiệp của mình, có lẽ phần khó nhất là đưa ra những câu hỏi phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:

Mục tiêu bài học

  • Mục tiêu bài học quá dễ hay quá khó với học sinh

  • Học sinh có thực sự hiểu những gì giáo viên dạy?

  • Những vấn đề đặt ra là gì?

Tài liệu giảng dạy

  • Tài liệu có lôi cuốn học sinh tham gia vào nhiệm vụ?

  • Tài liệu có giúp học sinh đạt được mục tiêu bài học?

  • Những gì hiệu quả và không hiệu quả khi sử dụng tài liệu?

  • Bạn có giải pháp hoặc đề xuất nào khác cho việc sử dụng tài liệu của giáo viên?

Học sinh

  • Học sinh có tập trung vào nhiệm vụ?

  • Phần nào của tiết học mà học sinh tham gia tích cực nhất?

  • Phần nào của tiết học mà học sinh ÍT tham gia tích cực nhất?

Quản lý lớp học

  • Các hướng dẫn, chỉ dẫn của giáo viên có rõ ràng và cụ thể?

  • Tiết học có được thực hiện với nhịp độ phù hợp?

  • Tất cả học sinh có tham gia vào quá trình học tập?

Giáo viên

  • Tính hiệu quả của các chiến thuật giảng dạy của tôi?

  • Tôi có thể làm gì để cải thiện/thay đổi?

  • Tôi có đạt được các mục tiêu đưa ra trong bài học?

  • Làm thế nào tôi có thể giải quyết các vấn đề trong quá trình đưa hướng dẫn và tổ chức hoạt động?

  • Tôi có đáp ứng được nhu cầu của từng các nhân học sinh?

  • Cảm giác của tôi sau khi dạy xong tiết học?

Phân tích và áp dụng các phản hồi có giá trị

   Bây giờ bạn đã thu thập thông tin phản hồi từ các kênh khác nhau, đã đến lúc phân tích nó. Điều đầu tiên bạn nên chú ý đến những phản hồi giống nhau của các bên. Nếu bạn thấy học sinh, đồng nghiệp cùng đặt ra những vấn đề chúng, nếu video bài học của bạn có những lỗi liên tục lặp lại, hãy chú ý đến nó và phân tích sâu hơn.

Sau khi đã tìm ra những điểm cần phải thay đổi, bạn cần tìm giải pháp. Có một số cách mà bạn có thể áp dụng:

  • Trao đổi với đồng nghiệp về những điều mà bạn đã học được hoặc nhận ra và xin lời khuyên của họ. Có thể đồng nghiệp sẽ mang đến cho bạn những ý tưởng mới để thay đổi.

  • Lên mạng (website taogiaoduc.vn) và đọc các kỹ thuật dạy học hiệu quả có thể giúp khắc phục tình trạng của bạn. Sẽ có những kinh nghiệm từ các đồng nghiệp được chia sẻ và đó sẽ là gợi ý cho những vấn đề bạn đang gặp phải.

  • Trao đổi với chuyên gia hoặc các cộng đồng giáo viên trên các trang mạng xã hội. Đăng câu hỏi trên các diễn đàn và blog giáo viên, có thể bạn sẽ nhận được những chia sẻ về kinh nghiệm, ý tưởng và kỹ thuật giảng dạy mới mà bạn chưa từng nghĩ đến trước đây.

   Mục tiêu cuối cùng của việc suy ngẫm là cải thiện công việc và hiệu quả giảng dạy. Thông qua những phát hiện bạn thu thập được, bạn có thể có được cái nhìn sâu sắc cần thiết để đưa bản thân lên một thang bậc tiếp theo hoặc bạn có thể nhận thấy và tôn vinh những nỗ lực của bản thân. Trong cả hai trường hợp, thì tự suy ngẫm đáng được coi là một trong những kĩ năng mà bạn cần có trong suốt quá trình đi dạy. Tôi tin rằng, suy ngẫm thực sự là phẩm hạnh của một người giáo viên hiệu quả là con đường đưa chúng ta đến với thành công và sự cân bằng trong công việc.

---Sưu tầm internet---

Nguồn:Sưu tầm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết