Wednesday, 15/01/2025 - 22:06|
Chào mừng các bạn ghé thăm Cổng thông tin điện tử của Phòng GD&ĐT huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

5 Câu Hỏi Siêu Nhận Thức Dành Cho Học Sinh Học Khi Tiếp Nhận Kiến Thức Mới

Nội dung kiến thức mới có thể khiến học sinh cảm thấy hoang mang giống như chìm trong làn sương mù. Dưới đây là năm câu hỏi siêu nhận thức mà học sinh có thể sử dụng để tìm đường và trở thành những người học độc lập hơn.

   Việc cung cấp cho học sinh những tài liệu với nội dung kiến thức mới là điều diễn ra hàng ngày trong lớp học. Nhưng việc giúp học sinh biết cách kết nối giữa những điều đã học với nội dung kiến thức mới không phải là điều dễ dàng. Hãy nhớ lại khoảnh khắc khi bạn còn đang là đứa trẻ và phải tiếp nhận một nội dung hoàn toàn mới – cảm giác của bạn khi đó như thế nào? Bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Làm sau để tìm ra cách giải quyết vấn đề?

   Việc nắm được những thao tác tư duy, có các kĩ năng siêu nhận thức sẽ là cơ sở để học sinh có thể tiếp nhận tài liệu và kiến thức mới một cách chủ động. Đồng thời, nó cũng giúp học sinh có thể làm chủ được các kiến thức và lưu giữ trong thời gian dài hơn. Đây cũng là một phần quan trọng trong quá trình học sinh làm chủ việc học của mình.

   Trong đa số các trường hợp, các kĩ năng siêu nhận thức giúp học sinh học tập một cách chủ động và tích cực. Tuy nhiên, các câu hỏi siêu nhận thức còn giúp củng cố các khái niệm học sinh đã biết và giúp học sinh nhận ra những lỗ hổng trong kiến thức của bản thân.

   Dưới đây là năm câu hỏi siêu nhận thức giáo viên nên hỏi học sinh mỗi khi đưa ra tài liệu hoặc kiến mới mới. Những câu hỏi này sẽ giúp học sinh dần có kĩ năng học tập chủ động và độc lập.

  1. Điều gì tôi đã biết rõ? Điều gì khiến tôi còn băn khoăn?

   Thông thường, khi bạn giao cho học sinh một bài tập, thao tác mà hầu hết học sinh sẽ làm là đi tìm cách giải hoặc đáp số cho bài tập đó. Thay vì việc đó, hãy dừng lại một vài phút và cùng học sinh bắt đầu với việc phân tích những gì học sinh đã biết và những gì mà học sinh vẫn còn phân vân. Thay vì ngay lập tức đi tìm đáp án, học sinh sẽ đặt ra các câu hỏi, và cố gắng đưa ra được những câu hỏi đúng trọng tâm. Sau đó, học sinh sẽ đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà chính mình đã đặt ta. Bằng cách này, học sinh cũng sẽ nhận ra được những lỗ hổng kiến thức của bản thân và suy ngẫm về nó thay vì bỏ qua và chép lại đáp án của giáo viên.

   Bằng cách đưa ra và hướng dẫn học sinh đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này, giáo viên sẽ tránh được trò chơi “mèo vờn chuột” mang tính đánh đố với học sinh của mình.

  1. Điều gì là mới mẻ đối với mình và điều gì mình cảm thấy quen thuộc? 

   Bạn có thực sự biết về những điều mà bạn nghĩ là mình đã biết? Nếu dừng lại và suy nghĩ cho chín chắn thì bạn sẽ cảm thấy lưỡng lự đúng không nào? Học sinh cũng vậy, không phải lúc nào học sinh cũng biết chính xác và rõ ràng những gì mà chúng nghĩ là đã biết. Câu hỏi này như một sự nhắc nhở, để học sinh dừng lại và suy nghĩ sâu hơn về những kiến thức đã học hoặc cảm thấy quen thuộc. Nó cũng gợi ra những tầng bậc nhận thức mới, sâu hơn, đặt ra những góc nhìn mới lạ về những điều quen thuộc.

  1. Làm thế nào để điều này kết nối với những gì tôi đã biết?

   Bắt đầu một bài học là cơ hội tuyệt vời để học sinh suy nghĩ sâu hơn về cách để kết nối những gì đã học với những kiến thức mới. Đây là một thao tác tư duy rất có ý nghĩa mà giáo viên nên hướng dẫn học sinh thực hiện một cách thường xuyên. Mỗi khi bắt đầu bài học mới, học sinh sẽ dừng lại để suy ngẫm và tự đặt câu hỏi về cách mà những đơn vị kiến thức mới kết nối với những nội dung đã học và làm chủ.

   Chuyên gia giáo dục Kripa Sundar đã đưa ra một cách hiệu quả để làm điều này là phác thảo một bản đồ khái niệm. Bản đồ khái niệm — sơ đồ trực quan thể hiện mối quan hệ giữa ý tưởng và thông tin — có thể giúp học sinh sắp xếp và cấu trúc những gì chúng đã biết và thúc đẩy việc tạo ra các kết nối sâu sắc hơn, phong phú hơn. Sundar viết: “Một học sinh khi học về chủ đề chiến tranh có thể tạo ra một bản đồ khái niệm bao gồm bất kỳ ý tưởng liên quan nào — chẳng hạn như các loại hình chiến tranh, nguyên nhân, hậu quả của các cuộc chiến tranh,…  Bản đồ khái niệm này cho phép người học xác định những gì họ biết và đâu là khoảng trống, ngoài mối quan hệ giữa các khái niệm.”

  1. Tôi có những câu hỏi tiếp theo nào?

   Nhiều học sinh cảm thấy do dự khi đặt câu hỏi hoặc không có sự kết nối giữa cảm giác “chưa biết” với nhu cầu thêm thông tin. Đôi khi học sinh cảm thấy khó hiểu hoặc không hiểu nhưng chúng gặp khó khăn để đặt ra các câu hỏi. Điều này được thể hiện rõ nhất khi yêu cầu học sinh đọc một tài liệu mới. Giáo viên hỏi học sinh, có câu hỏi nào không. Học sinh đều im lặng – nhưng điều đó không có nghĩa là học sinh đã hiểu hết. Đơn giản chỉ là có quá nhiều điều chưa rõ nhưng không biết phải đặt câu hỏi như thế nào.

   Vì vậy việc đặt câu hỏi sẽ phải quay trở lại với chính những điểm mà học sinh còn chưa rõ. Kimberly D. Tanner – giáo sư sinh học tại Đại học Baylor, thường xuyên yêu cầu sinh viên của mình điền vào các thẻ lời nhắc: “Điều gì khiến tôi khó hiểu nhất về tài liệu trong lớp học hôm nay?”. Khi học sinh liên tục nhắc nhở mình về câu hỏi này trong quá trình đọc/tiếp cận tài liệu mới. Chúng sẽ dần hình thành được những câu hỏi trong đầu và biết cách dùng ngôn ngữ để diễn đạt ra những câu hỏi đó.

  1. Tại sao ý tưởng này lại quan trọng?

   Khi giáo viên thường xuyên khuyến khích học sinh suy nghĩ về lý do tại sao một khái niệm hoặc kỹ năng mới lại quan trọng nó sẽ hướng học sinh đến việc liên hệ và kết nối với cuộc sống. Học sinh sẽ dần tìm thấy mối liên hệ giữa bản thân mình với tài liệu/kiến thức và giữa kiến thức với cuộc sống. Ví dụ, tại sao bạn lại học về lãnh địa? Tại sao lãnh địa phong kiến lại quan trọng đối với bạn? Học sinh sẽ tìm ra được mối liên hệ giữa cách thức tổ chức đời sống sinh hoạt kinh tế với thể chế chính trị và bối cảnh lịch sử,…

   Học sinh có thể trả lời 5 câu hỏi siêu nhận thức này thông qua việc ghi chép nhanh trong vở hoặc nhật ký học tập, Cũng có khi nó được tiến hành dưới dạng hoạt động thảo luận nhanh trên lớp. Giáo viên cũng có thể hướng dẫn học sinh sử dụng các dạng sơ đồ tư duy để “hướng dẫn và hình thành tư duy của học sinh” và cho phép học sinh rút ra và sắp xếp thông tin quan trọng từ nội dung mới.

   Siêu nhận thức có thể nói là một trong những kĩ năng/năng lực quan trọng nhất trong quá trình học tập của học sinh. Nếu hình thành được năng lực này, học sinh có thể học được bất kỳ nội dung kiến thức mới nào, đồng thời sẽ trở thành những người học độc lập và chủ động. Vấn đề chỉ còn là làm thế nào để đưa nó vào trong chương trình giảng dạy, tích hợp trong từng bài học. Không ai khác, chính giáo viên mới có thể là người làm được điều đó.

---Sưu tầm internet---


Nguồn:Sưu tầm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết