5 Chiến Lược Dạy Học Sinh Về Kĩ Năng Siêu Nhận Thức
Với tư cách là giáo viên và cũng là những nhà giáo dục, chúng ta cần phải trao quyền cho tất cả học sinh bằng việc dạy các em những kỹ năng nhận thức và siêu nhận thức trong chương trình giảng dạy.
Kỹ năng siêu nhận thức cho phép học sinh điều chỉnh suy nghĩ của mình và trở thành những người học độc lập, từ đó có thể cải thiện và nâng cao kinh nghiệm học tập cũng như trong cuộc sống của chúng. Học sinh sẽ được hưởng lợi từ khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, suy nghĩ phân tích, giao tiếp hiệu quả và cộng tác với những người khác. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng siêu nhận thức là một trong những bộ kỹ năng quan trọng nhất mà học sinh cần, nhưng lại không được giảng dạy trong chương trình..
Khi học sinh có kĩ năng siêu nhận thức, chúng có thể lùi lại một bước và quan sát suy nghĩ của mình, nhận ra những mô thức ẩn sâu. Đôi khi đây được gọi là quá trình suy ngẫm. Khi sử dụng cách tiếp cận này, học sinh luôn đặt ra cho mình những câu hỏi như sau:
– Vấn đề cần giải quyết là gì?
– Tôi nên giải quyết vấn đề như thế nào?
– Tôi đang làm tốt như thế nào?
– Tôi đã làm tốt như thế nào?
– Làm thế nào tôi có thể làm điều đó tốt hơn vào lần sau?
Có thể dùng phép ẩn dụ “điều khiển bộ não” để nói về quá trình dạy kĩ năng siêu nhận thức cho học sinh. Giáo viên sẽ dạy học sinh cách “điều khiển trí não” và trở thành người học tự định hướng trong học tập và cuộc sống. Điều này cũng tương tự giống như cách dạy học sinh lái xe, trong đó học sinh nhận được hướng dẫn rõ ràng về điều khiển chiếc xe – suy nghĩ của họ, khi nào nên giảm tốc độ, khi nào thì nên tăng tốc và cách tránh những nhầm lẫn, lạc đường…
Cũng giống như việc lái xe, học sinh không cần “bằng lái”, cái mà học sinh cần là khả năng lái chiếc xe trên thực tế. Quá trình học về kĩ năng siêu nhận thức cũng vậy, học sinh không cần “trả bài”, cái mà học sinh cần là khả năng ứng dụng các kĩ năng để tư duy tốt hơn. Kĩ năng siêu nhân thức có thể và nên bắt đầu được dạy cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ và áp dụng nó trên tất cả các môn học và trong các bài học cuộc sống.
5 chiến lược dạy kĩ năng siêu nhận thức cho học sinh
- Bắt đầu bằng cách định nghĩa thuật ngữ “siêu nhận thức”. Chúng tôi khuyên bạn nên định nghĩa đơn giản “đó là những suy nghĩ về quá trình suy nghĩ của bạn như một con đường để học tập tốt hơn.” Đặc biệt là với những học sinh nhỏ tuổi, một phép ẩn dụ như điều khiển bộ não của các em sẽ cụ thể hóa khái niệm trừu tượng này.
- Đầu cuộc thảo luận về kĩ năng siêu nhận thức, yêu cầu học sinh mô tả những lợi ích và đưa ra các ví dụ về việc “điều khiển bộ não”. Ví dụ, đôi khi chúng ta có thể cần xem lại một đoạn văn đã đọc để đảm bảo rằng chúng ta thực sự hiểu nó, hoặc ghi lại và sắp xếp các ghi chép cho một bài luận thay vì cứ nghĩ mãi làm thế nào để bắt đầu bài viết. Trong giao tiếp với người khác, điều quan trọng là phải suy nghĩ trước khi nói để không làm tổn thương cảm xúc của ai đó.
- Thường xuyên cho học sinh có cơ hội thực hành các kĩ năng siêu nhận thức, có thể là khi suy ngẫm về quá trình học tập của cá nhân mình hoặc tham gia vào các hoạt động thảo luận siêu nhận thức trong lớp. Giáo viên có thể khen thưởng hoặc đánh giá cao việc sử dụng kỹ năng quan trọng này trong các hoạt động học tập để học sinh nhận thức được rằng, đây là một phương pháp tư duy hiệu quả cả ở trường học và trong các khía cạnh khác của cuộc sống.
- Dẫn dắt các cuộc thảo luận trong lớp, khuyến khích học sinh chia sẻ các ví dụ về cách sử dụng kĩ năng siêu nhận thức trong và ngoài trường học. Đối với học sinh tiểu học, giáo viên có thể khuyến khích học sinh giải thích cách cha mẹ chúng sử dụng kỹ năng này trong công việc. Học sinh trung học có thể nghĩ đến việc áp dụng siêu nhận thức trong các hoạt động học tập hoặc trong các mối quan hệ cá nhân.
- Mô hình hóa việc sử dụng siêu nhận thức bằng cách trao đổi, thảo luận. Học sinh sẽ sử dụng các chiến lược tư duy bậc cao bằng cách lắng nghe khi giải quyết vấn đề. Ví dụ, học sinh đặt ra câu hỏi, tại sao bạn mình lại suy nghĩ như vậy, tại sao mình lại có cách phản ứng như vậy? sai lầm trong cách nghĩ của cả hai là gì? Có cách nào giải quyết tốt hơn hay không?
Các chiến thuật này được trích từ cuốn sách: Teaching Students to Drive Their Brains: Metacognitive Strategies, Activities, and Lesson Ideas (ASCD, 2016).
---Sưu tầm internet---