Friday, 26/04/2024 - 04:56|
Chào mừng các bạn ghé thăm Cổng thông tin điện tử của Phòng GD&ĐT huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CẦN GIẢI TỎA NHIỀU ÁP LỰC CHO GIÁO VIÊN

Khi không vướng nhiều áp lực, có khả năng giảng dạy tốt và sự hài lòng với công việc, giáo viên sẽ có nhiều khả năng sáng tạo, mang lại nhiều giá trị cho học sinh, nhà trường và xã hội hơn.

Khi nghiên cứu về nhóm đối tượng là giáo viên THPT ở Thành phố Hồ Chí Minh, TS Phạm Thị Hương (Viện Nghiên cứu Giáo dục – Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cùng các cộng sự đã nhận ra rằng, các thầy cô chịu áp lực nhiều nhất từ các công việc hành chính, khối lượng công việc chuyên môn, rồi đến áp lực từ ứng xử, thái độ của học sinh, và cuối cùng là áp lực kinh tế.

“Giáo viên đóng nhiều vai trò, như người thiết kế và hướng dẫn học sinh, thậm chí từng học sinh, thông qua các cơ hội học tập; như người hợp tác/ cộng tác với học sinh thông qua việc áp dụng công nghệ, phương pháp và kỹ thuật mới và liên tục thay đổi trong dạy và học; như người tư vấn giúp học sinh thu thập, xử lý, xét đoán, phê phán, chọn lọc thông tin hữu ích, đúng đắn”, TS Hương chia sẻ.

Theo đó, trách nhiệm quan trọng nhất của nhà giáo là tìm ra và kiến tạo các kinh nghiệm giáo dục cho phép học sinh giải quyết các vấn đề của thế giới thực và thể hiện các ý tưởng lớn, kỹ năng mạnh, khí chất và tư duy đạt chuẩn giáo dục. Nhà giáo còn phải gương mẫu và tạo cảm hứng cho học tập suốt đời. Do đó, dạy học được xem là một nghề đầy thách thức và nhiều áp lực.

Áp lực công việc được nhóm nghiên cứu chỉ ra bao gồm nhiều yếu tố, chủ yếu là áp lực hành chính, thái độ và ứng xử của học sinh, áp lực chuyên môn, và việc dạy thêm. Đáng mừng là dù có áp lực nhưng gần như tất cả giáo viên được phỏng vấn (trừ một trường hợp) không bị áp lực quá đến nỗi phải sử dụng liệu pháp trị liệu nhằm giảm căng thẳng.

Từ đó họ cũng chia sẻ cách cân bằng cuộc sống và công việc. Khi chia sẻ về mức độ của các loại hình áp lực khác nhau, hầu hết giáo viên đề cập nhiều nhất đến áp lực hành chính, kế đến là khối lượng công việc và chuyên môn, rồi mới đến ứng xử và hành vi của học sinh, cuối cùng là vấn đề kinh tế (lương).

Công việc hành chính thực sự là nhân tố áp lực hàng đầu trong công việc của giáo viên. Sổ sách, báo cáo, lịch trình, kế hoạch… là các thứ mà giáo viên phải hoàn thành theo đúng quy định và thời hạn, nhưng chỉ có cách dành nhiều thời gian (ngoài giờ) thì mới hoàn thành, hoặc ứng phó bằng cách làm cho có, cho đủ hình thức.

Điều đáng nói là, nhiều việc liên quan đến hành chính được cho là không thực sự gắn liền hoặc có vai trò rất thấp đối với chất lượng giảng dạy, mục tiêu đào tạo trong khi giáo viên phải tiêu tốn nhiều công sức và thời gian.

Nhiều giáo viên phản ánh việc bị áp lực lớn từ các công tác hành chính rườm rà, nhiêu khê. Thậm chí, các thầy cô còn cho rằng đây chính là áp lực lớn nhất trong công tác giảng dạy. Do đó, việc cải tiến, tinh giản, đổi mới công việc hành chính của giáo viên cần được quan tâm, tiến hành mạnh hơn nữa.

GIẢM ÁP LỰC CHO GIÁO VIÊN

Báo cáo cũng lấy ý kiến của nhóm học sinh, đề cập đến phương pháp dạy học, điểm số và hoạt động ngoại khóa. Học sinh có xu hướng đồng ý làm thêm bài tập ở nhà là tốt nhưng mong muốn đổi mới hình thức tự học như làm bài tập nhóm, dự án, tự tìm hiểu theo chủ đề của bài học thay vì giải đề và các bài tập như ở trên lớp; thích các giá trị của hoạt động ngoại khóa, kỳ vọng được đổi mới phương pháp dạy học và cải tiến cách kiểm tra đánh giá.

Tuy nhiên, việc thay đổi phương pháp giảng dạy không hề dễ dàng khi 3 yếu tố (gồm việc học thêm, tình trạng học lệch và phong cách học thụ động) dường như đã phản ánh toàn cảnh bức tranh về việc học của học sinh ở các trường THPT hiện nay. Áp lực thi cử theo từng nhóm môn dẫn đến việc học lệch của các em thiên về định hướng thi tốt nghiệp phổ thông và lấy điểm xét tuyển đại học.

Kết quả phỏng vấn giáo viên về sự hài lòng với nghề giáo cho thấy có 2 yếu tố chính: Lòng yêu nghề (được làm nghề đã chọn) và sự gắn kết với học sinh (bao gồm sự thành công của học sinh, và mối quan hệ tình cảm với học sinh).

Những yếu tố khác bao gồm tiền lương, công nhận và cơ hội thăng tiến. Chính các chủ đề này một lần nữa khẳng định đặc thù của nghề giáo, dù nhiều giáo viên chia sẻ từng có mong muốn bỏ nghề khi thực tế lương của giáo viên thấp hơn các nghề khác trong xã hội.

Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học “Ảnh hưởng của môi trường nhà trường đến sự thỏa mãn nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” được tiến hành thông qua nguồn dữ liệu là các hồi đáp (từ bản hỏi) thu trực tiếp từ các giáo viên thuộc 7 trường THPT trên địa bàn TPHCM (2 trường ngoại thành và 5 trường nội thành), sau khi rà soát và làm sạch, có 4.038 hồi đáp đạt yêu cầu cho phân tích.

Quá trình phân tích gồm 3 công đoạn: Phân tích dữ liệu để kiểm định thang đo, mô hình và các giả thuyết nghiên cứu bằng phương pháp EFA và PLS-SEM; Phân tích đa nhóm PLS-SEM để phát hiện sự khác biệt các mối quan hệ giữa các biến ngoại tác và nội sinh theo các biến phân loại; Trình bày kết quả thống kê mô tả các biến trong mô hình (dựa vào kết quả thang đo đã kiểm định) cho toàn mẫu và khám phá sự khác biệt các biến đó theo các biến phân loại.

Theo sau chính sách tiền lương, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số biện pháp giảm áp lực công việc cho giáo viên, được xây dựng từ kết quả của nhiệm vụ, liên quan đến các quy định chính sách, chiến lược phát triển đội ngũ nhân sự và các giải pháp quản trị nhà trường THPT (sự lãnh đạo của hiệu trưởng, thái độ hành vi của học sinh trong trường lớp, đổi mới phương thức giảng dạy, sự quan tâm nghề nghiệp và tự tin năng lực bản thân).

Nguồn: Theo Edufaro


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết