10 xu hướng giáo dục phổ biến trên thế giới
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi bức tranh giáo dục thế giới một cách khó lường. Thật khó để đoán trước sẽ có những điều gì chờ đợi chúng ta trong năm học tiếp theo.
Tuy nhiên, dù bạn là học sinh, giáo viên hay nhà quản lý giáo dục, để chuẩn bị bản thân trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thực tiễn, hãy cùng điểm qua 10 xu hướng giáo dục phổ biến trên thế giới hiện tại do chuyên trang Waterford.org tổng hợp.
Tự chăm sóc bản thân (Self-Care)
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và khi các trường học chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh đã nhận ra tầm quan trọng của việc tự chăm sóc bản thân.
Một trong những điều quan trọng lúc này là tất cả học sinh, giáo viên và phụ huynh đều phải đảm bảo sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần. Các giáo viên nên bổ sung các bài tập nhằm giúp học sinh kiểm soát sự căng thẳng và dành thời gian cho việc tự chăm sóc bản thân.
Học tập kết hợp (Blended learning)
Học tập kết hợp là một dạng cấu trúc trường/lớp học mới, trong đó học sinh tiếp thu kiến thức một phần từ sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên và một phần từ các hoạt động tự định hướng. Đây sẽ trở thành một phương thức học tập hoàn hảo nếu học sinh tiếp tục phải học cả ở trường và ở nhà trong năm tới. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục bày tỏ sự tin tưởng rằng phương pháp học tập kết hợp sẽ trở nên phổ biến hơn trong năm sau.
Học tập cá nhân hóa (Personalized Learning)
Trong vài năm qua, việc học tập cá nhân hóa đang có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến. Tại sao vậy? Khi chương trình giảng dạy được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu riêng của từng học sinh, các em sẽ có thể tiến bộ nhanh hơn do khi đó, các học sinh sẽ được tiếp thu kiến thức, kĩ năng với tốc độ phù hợp với khả năng nhận thức của mỗi em. Ngoài ra, các phần mềm tích hợp hiện đại cho phép giáo viên sử dụng cùng một chương trình học cho tất cả học sinh trong lớp - kể cả những học sinh khuyết tật - nhưng vẫn phù hợp với khả năng tiếp thu của từng em.
Chương trình giảng dạy STEAM (STEAM Curriculum)
Bạn có thể đã nghe nhiều chương trình giảng dạy STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và tác dụng của nó trong việc trang bị cho học sinh các kỹ năng thực tế yêu cầu cao để gia nhập lực lượng lao động. Nhưng, bên cạnh bốn môn học trên, việc bổ sung môn nghệ thuật (từ đó trở thành chương trình STEAM - tức là STEM cộng với môn nghệ thuật (art)) có thể góp phần cải thiện kết quả học tập của học sinh.
Ví dụ: bổ sung các bài tập về nghệ thuật bên cạnh các bài học về khoa học và toán học có thể giúp những học sinh có khả năng tiếp thu bài yếu hiểu nhanh và kĩ hơn các môn học STEM. Bên cạnh đó, điều này còn giúp cải thiện khả năng sáng tạo - một kỹ năng hữu ích cho bất kỳ môn học nào. Thêm vào đó, chương trình giảng dạy STEAM được chứng minh là giúp mang đến một chương trình giáo dục toàn diện và thiết thực hơn so với chỉ STEM đơn thuần.
Giờ thiên tài (Genius Hour)
Giờ thiên tài là một kỹ thuật giáo dục còn khá mới mẻ, trong đó khuyến khích học sinh tự chọn một dự án hoặc công việc theo ý thích để thực hiện một tiếng mỗi ngày. Điều này khuyến khích học sinh rèn luyện khả năng sáng tạo và tư duy độc lập, đồng thời các em cũng có thể phát triển niềm yêu thích học tập thực sự. Nếu bạn đang tìm cách để cải thiện sự tương tác của sinh viên trong lớp học của mình, thì “giờ thiên tài" có thể là một xu hướng đáng để thử nghiệm.
Công dân số (Digital citizenship)
Đối với học sinh, công dân số được định nghĩa là khả năng các em sử dụng công nghệ và Internet một cách hiệu quả và phù hợp. Việc trở thành một “công dân số" đúng nghĩa đang ngày càng trở nên cần thiết; nhưng trong bối cảnh các bài tập và bài học vốn - theo truyền thống, diễn ra trực tiếp trên giảng đường - được chuyển sang trực tuyến, học sinh cần có các kỹ năng để sử dụng các phương tiện kỹ thuật số một cách hợp lý, lành mạnh.
Học tập kiểu “vừa miệng” (Bite-Sized Learning)
Học tập kiểu “vừa miệng” là một kỹ thuật giáo dục mang đến học sinh các hoạt động học tập ngắn gọn, chuyên sâu để đào tạo một số kỹ năng cụ thể. Nếu các lớp học tiếp tục được thực hiện chủ yếu bằng hình thức trực tuyến trong năm tới, các hoạt động học tập “vừa miệng” dạng này có thể sẽ trở nên đặc biệt hữu ích. Việc sử dụng chiến lược học tập các kĩ năng mới thông qua các hoạt động dạy - học ngắn gọn sẽ giúp giáo viên giải quyết bài toán khó về sự hạn chế của học sinh trong việc tiếp thu các bài học dài và đảm bảo sự tập trung khi học tập tại nhà. Ngay cả khi học sinh quay trở lại lớp học thật sự, kỹ thuật này vẫn có thể hữu ích để tận dụng tối đa thời gian trên lớp.
Học tập cảm xúc xã hội (Social-Emotional Learning)
Học tập cảm xúc xã hội tiếp tục là một thuật ngữ quan trọng và được chú ý. Khi giáo viên dành thời gian để nuôi dưỡng sự phát triển cả về mặt giáo dục và xã hội-tình cảm của học sinh, sự tiến bộ trong học tập của các em sẽ được cải thiện và các vấn đề về hành vi trong lớp học giảm đi. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 đã thay đổi cuộc sống của nhiều học sinh theo hướng gây ra nhiều sự căng thẳng hơn, việc học tập cảm xúc xã hội sẽ tiếp tục là một điều cần thiết cho sức khỏe của họ.
Lồng ghép trò chơi vào bài giảng (Gamification)
Bạn đang tìm cách để tạo niềm vui học tập cho học sinh của mình? Gamification, một chiến lược học tập liên quan đến việc sử dụng các trò chơi và phần thưởng để dạy học sinh, là một chiến lược được nhiều người ủng hộ và phê bình.
Học tập trải nghiệm (Experiential Learning)
Học tập trải nghiệm là một chiến lược, theo Trung tâm Học tập Trải nghiệm UC Denver, cho phép học sinh phát triển kiến thức và kỹ năng trong môi trường bên ngoài lớp học. Đối với học sinh tiểu học, các lựa chọn cho học tập trải nghiệm có thể bị hạn chế. Nhưng bạn vẫn có thể tận dụng tối đa chiến lược này bằng cách đưa học sinh tham gia các chuyến đi thực tế (ảo hoặc bằng cách khác) và cung cấp cho học sinh các bài tập khuyến khích họ học bên ngoài nhà trường.
---Sưu tầm internet---