Gần 42.000 bài giảng điện tử tham gia cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử 2021”
Gần 42.000 bài giảng điện tử đã được các giáo viên từ khắp mọi miền đất nước gửi về tham dự cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021”. Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức.
Đây là lần thứ hai cuộc thi được tổ chức, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016. Cuộc thi năm nay nhằm tiếp tục xây dựng và làm phong phú thêm kho học liệu số của ngành Giáo dục, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thích ứng với việc dạy và học trực tuyến, từ xa do tác động của dịch bệnh.
Giờ học môn Tin học của học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
Chỉ sau 1 tháng phát động, từ ngày 5/10 đến ngày 5/11/202, Kho học liệu số đặt tại địa chỉ igiaoduc.vn đã tiếp nhận 41,670 bài giảng, trong đó có 26,374 bài giảng e-learning và 15,296 video bài giảng. Nhiều nhất là các bài giảng của các giáo viên khối lớp 6 với 7,255 bài, lớp 2 với 4,341 bài và lớp 1 với 3,950 bài. Số bài giảng thuộc chương trình sách giáo khoa mới chiếm tỷ lệ 37% tổng số bài dự thi.
Cuộc thi đã thực sự trở thành một sân chơi của các nhà giáo đã và đang giảng dạy trong ngành giáo dục. Thông qua cuộc thi, mỗi giáo viên có cơ hội tự mình trau dồi, nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin và biên soạn bài giảng điện tử để làm phong phú thêm phương pháp và nội dung giảng dạy của mình.
Cô giáo Bùi Thị Diễm Trang, giáo viên giảng dạy môn Tin học, Trường THPT Phan Bội Châu, Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Đây là lần đầu cô tham dự kỳ thi biên soạn bài giảng điện tử ở cấp quốc gia, trước đó đã tham dự ở cấp tỉnh. Cô coi đó là cơ hội để học tập, trau đồi kinh nghiệm giảng dạy với các thầy, cô giáo ở khắp mọi miền đất nước. Từ đó, tự mình tìm tòi, đổi mới phương pháp và nội dung bài giảng, làm cho bài giảng càng ngày càng hấp dẫn, giúp học sinh nắm được kiến thức tốt hơn.
Không chỉ thu hút các thầy, cô giáo trẻ tham dự, nhiều thầy, cô giáo nhiều năm kinh nghiệm cũng tham gia biên soạn và gửi bài dự thi. Cô Kim Hòa, giáo viên tại tỉnh Kon Tum cho hay: “Cuộc thi đã tạo làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, sự bứt phá và vươn lên của các thầy cô về đổi mới và cập nhật công nghệ số. Cá nhân tôi cũng có cái nhìn mới về chính mình sau cuộc thi, được nhiều cái mới để tiếp tục cống hiến và cảm thấy yêu nghề hơn”.
Đánh giá về chất lượng ban đầu của các bài dự thi năm nay, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GDĐT, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Cuộc thi được phát động tổ chức ngay sau các đợt tập huấn giáo viên về dạy học trực tuyến của ngành Giáo dục, qua đó, chất lượng bài giảng đã được nâng lên rõ rệt, giáo viên đã áp dụng nhiều công cụ, công nghệ mới trong soạn bài giảng điện tử. Ban tổ chức hy vọng bài giảng của những giáo viên dạy giỏi nhất cả nước sẽ đến được với tất cả học sinh trên cả nước.
“Kho bài giảng trực tuyến sẽ mở ra cơ hội tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng tới tất cả người học, tạo ra sự công bằng hơn trong giáo dục, sẽ rất hữu ích với học sinh nhận được máy tính và Internet từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động”, ông Nguyễn Sơn Hải cho hay.
Hiện nay, Bộ GDĐT đang tổ chức thẩm định bài giảng. Dựa vào Khung phân phối chương trình các môn học, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài giảng học sinh sắp học để ưu tiên thẩm định trước. Những bài giảng đạt chất lượng sẽ được công bố ngay trên Kho học liệu số để học sinh sử dụng học trực tuyến.
---Sưu tầm internet---