Wednesday, 15/01/2025 - 21:58|
Chào mừng các bạn ghé thăm Cổng thông tin điện tử của Phòng GD&ĐT huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một cái nhìn về gen Z: Bố mẹ đã thực sự hiểu thế hệ đầy khác biệt và bản lĩnh?

Gen Z đã không còn là những cô cậu học sinh vẫn đang học cấp một hay mãi là một đứa trẻ trong trí nhớ của chúng ta; họ đã ra trường, đi làm, vào đại học, là đối tượng chính tại các trường học từ cấp một đến bậc phổ thông trên toàn thế giới. Hiểu về gen Z là một bước tiệm cận giúp các bậc phụ huynh, giáo viên và nhà trường hiểu hơn về học sinh trong thế kỷ 21.

   Chúng ta đặt tên khác nhau cho từng thế hệ, tương ứng với một khoảng thời gian cụ thể từ khoảng những năm 50s trở lại đây. Ông bà chúng ta có lẽ thuộc thế hệ Baby Boomers (1946-1964), bố mẹ chúng ta đa phần thuộc gen X (1965-1980); chúng ta tạo thành gen Y hay Millennials (1981 - 1996) và phần còn lại của lịch sử gọi tên gen Z, những người trẻ sinh từ năm 1997 trở đi. 

   Sự nổi lên của gen Z trong những năm gần đây cho thấy, những cô cậu sinh năm 2000s đã không còn là học sinh cấp 1 hay cấp 2 trong trí tưởng tượng của chúng ta. Họ đã tốt nghiệp đại học và ra trường đi làm, thu hút sự quan tâm của các nhà tuyển dụng. Họ chuẩn bị vào đại học, trở thành đối tượng chính được các văn phòng tuyển sinh chào đón. Các công ty tiêu dùng thực hiện các chiến dịch quảng cáo hướng vào gen Z, đối tượng tiêu dùng thông minh và có nhận thức được vai trò của bản thân trong bức tranh toàn cầu. Trong trường học, thế hệ gen Z đang tạo ra một hệ thống giá trị, thói quen, hành vi mới đòi hỏi các giáo viên và phụ huynh phải thực sự hiểu họ là ai và họ cần gì.

   Định vị một người thuộc thế hệ gen Z không chỉ nằm ở năm sinh. Những người trẻ hậu 1996 đang định hình tương lai với những đặc điểm tính cách như thế nào?

Nguồn sống công nghệ của gen Z

   Gen Z có nhiều đặc điểm khác với thế hệ kế cận, thường đặt trong mối so sánh tương quan với gen Y. Nếu như thế hệ của chúng ta ưu tiên sự cân bằng giữa cuộc sống - công việc, các bạn trẻ gen Z tìm kiếm một môi trường sống và làm việc tôn trọng các giá trị bình đẳng, tự do và đa dạng, nơi họ có thể thể hiện bản thân và không chịu áp lực gò mình trong những quy chuẩn. Nếu tuổi trẻ thường được gắn với từ “nổi loạn”, các thầy cô phải cân nhắc khi sử dụng những từ như vậy với học sinh khi các bạn trẻ gen Z ngày càng muốn thể hiện bản thân và cái tôi khác biệt trong thế giới mới. Thế hệ Z mong muốn thể hiện bản thân nhiều hơn, để tiếng nói của mình được lắng nghe và có được sự tôn trọng, công nhận từ những người xung quanh.

   Một trong những điều tạo nên sự khác biệt quan trọng nhất giữa gen Z và các thế hệ khác là sự nhạy bén với thế giới công nghệ. Theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2017, gen Z dành khoảng 3,5 tiếng/ngày sử dụng điện thoại di động. Con số trên chắc chắn đã cao hơn vào năm 2021 sau giai đoạn bùng phát dịch bệnh khi thời gian học online và ở nhà của các bạn trẻ trên toàn thế giới nhiều hơn.  Sự nhạy bén với công nghệ, nhanh nhạy với các cập nhật xu thế mới trên mạng xã hội, sử dụng thành thạo máy tính, luôn luôn kết nối và không ngừng tìm kiếm các thông tin mới mẻ trên Internet… là những đặc điểm dễ nhận thấy ở gen Z. Chính vì vậy, đáp ứng nhu cầu công nghệ của gen Z là điều quan trọng khi điện thoại hay máy tính đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của các bạn trẻ. Họ không ngừng tìm kiếm các trải nghiệm số mới, “dấu chân” trên mạng của họ dày đặc, cuộc sống trên không gian mạng của nhiều người đa dạng, đa chiều và đôi khi phức tạp hơn cuộc sống ngoài đời thật. Đây là những đặc điểm quan trọng cần lưu ý khi làm việc với gen Z - một thế hệ công dân số chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong tương lai. 

   Trong mảng giáo dục, người trẻ gen Z không chỉ mong muốn nhận được nền giáo dục chính thống với các phương pháp giáo dục cũ kĩ, họ muốn thấy sự sáng tạo, thay đổi và đột phá. Giáo dục đến từ đa dạng các trải nghiệm, không gò bó trong 4 bức tường lớp học hay hệ thống giáo dục truyền thống. Sự học với người trẻ diễn ra ở khắp nơi; nhu cầu của thế hệ Z cao hơn đòi hỏi những ngày truyền thụ kiến thức, điều hành sự học càng cần phải nỗ lực thay đổi để đáp ứng mong muốn mới của người trẻ. 

   Phác họa bức tranh của gen Z đòi hỏi một cái nhìn đa chiều trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, ở điểm nhìn phổ biến, ta có thể thấy những đặc điểm trên của thế hệ sau 1996, đặc biệt ở trong môi trường học đường. Sự thay đổi đặc điểm của một thế hệ song hành cùng sự phát triển của xã hội. Trước những thay đổi không ngừng của xã hội hiện đại, người trẻ gen Z cũng cần thay đổi để thích nghi, hòa nhập và phát triển. Hiểu được đặc điểm của một thế hệ, phụ huynh sẽ chạm tới cánh cửa bước vào thế giới của con mình dễ dàng hơn. 

Vậy đâu là những kỹ năng quan trọng gen Z cần có trong tương lai? 

Những kỹ năng cần thiết cho gen Z trong thế kỷ 21

   Theo nghiên cứu được tiến hành vào năm 2019 của Hiệp Hội quản trị nguồn nhân lực có trụ sở tại Mỹ (SHRM), ba kỹ năng cần thiết cho gen Z khi bước vào thế giới công việc bao gồm (1) tư duy phản biện/khả năng sáng tạo, (2) khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp và (3) kỹ năng giao tiếp. Cũng theo nghiên cứu trên, bên cạnh các kỹ năng mềm, các kỹ năng công việc hoặc ngành nghề cụ thể sẽ cần nhiều lực lượng lao động bao gồm các kỹ năng trong các nhóm ngành kỹ thuật, phân tích dữ liệu, khoa học và y học. 

   Hiểu được nhu cầu của thế giới với gen Z trong tương lai là điều quan trọng, không chỉ với bản thân các bạn trẻ mà còn với gia đình và nhà trường; những người đang cùng đồng hành để mang lại kiến thức cho học sinh. Trên thực tế, học sinh tại nhiều trường như Olympia đã tiếp cận với các mảng kiến thức, kỹ năng trên từ rất sớm. Tư duy phản biện và khả năng sáng tạo được tăng cường trong chương trình học thông qua nhiều hình thức đa dạng. Từ bậc tiểu học tới trung học, kỹ năng giao tiếp cũng được chú trọng trong các giờ trên lớp và các hoạt động câu lạc bộ. Đặc biệt, học sinh được chuẩn bị để bước vào một thế giới công nghệ số, sẵn sàng cả về năng lực và tư duy công nghệ. Không chỉ chú trọng vào việc giảng dạy công nghệ thông tin, nhà trường còn giúp học sinh có thể làm chủ công nghệ thông tin, hiểu bản thân trong một thế giới công nghệ phức tạp và chung sống với chúng.

   Với thế hệ Z, việc theo học đại học là một quá trình chuẩn bị cho thị trường lao động trong tương lai chứ không còn đơn thuần là phát triển bản thân hay trải nghiệm xã hội. Đây là điều được nhấn mạnh với các trường đại học, các cơ sở giáo dục để tạo ra một lộ trình hướng nghiệp, sẵn sàng cho học sinh hội nhập ngay từ sớm. Yêu cầu về các mô hình giáo dục đặc biệt cũng được đặt ra nhằm đáp ứng các đặc điểm độc đáo của thế hệ học sinh/sinh viên hiện nay, đưa vào các hoạt động dự án, các hoạt động nghiên cứu nhằm phát triển kỹ năng công việc cho học sinh cũng là điều giúp thu hút nhiều bạn trẻ. 

   Tuy nhiên, dù các kỹ năng mềm đã được đưa vào chương trình học, lồng ghép đa dạng trong các hoạt động, việc đảm bảo học sinh và thế hệ gen Z được trang bị đầy đủ hành trang bước vào một thị trường công việc ngày càng cạnh tranh và đòi hỏi cao không phải điều dễ dàng. Gen Z là thế hệ đón đầu công nghệ nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực của cuộc sống hiện đại như các vấn đề tâm lý, tình hình xã hội nhiều biến động, những thay đổi trong các giá trị nền tảng, vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Học sinh không chỉ cần được trang bị những kỹ năng mềm liên quan tới công việc; đối diện với một tương lai nhiều vấn đề đòi hỏi các cách giải quyết đa chiều, phụ huynh và nhà trường cũng cần trang bị cho học sinh những nhóm kỹ năng quan trọng như làm sao để đối diện với bản thân, điều hòa cảm xúc. Gen Z không chỉ cần bước ra ngoài, thế hệ trẻ cần học cả cách bước vào bên trong bản thân để hiểu chính mình trong một thế giới đầy biến động. 

   Hiểu được gen Z một cách tường tận không phải là điều ai cũng có thể làm được khi đó là một công trình từ nhiều ngành nghề, nghiên cứu chuyên sâu trong các nhóm khác nhau, từ giáo dục, tâm lý học, xã hội học cho tới kinh tế. Trong khuôn khổ giáo dục và nhà trường nói chung, giáo viên cần nắm bắt những thay đổi quan trọng và các khía cạnh nổi bật nhất để có thể làm việc với học sinh một cách phù hợp. Phụ huynh cần hiểu rõ những năng lực các con cần cho tương lai để hỗ trợ định hướng. Thay vì nhìn vào những công việc “hot” của thế hệ 7x, 8x, bố mẹ cần hiểu rõ tương lai đang chờ gen Z và mong muốn của con mình.

---Sưu tầm internet---


Nguồn:Sưu tầm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết