TỰ HÀO QUÊ HƯƠNG HƯNG YÊN
Kỉ niệm 190 năm thành lập tỉnh Hưng Yên (1831 – 2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7.1941 – 7.2021) và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (1.1.1997 – 1.1.2022)
Năm 2021 đánh dấu tròn 190 năm thành lập tỉnh Hưng Yên (1831 – 2021), 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7.1941 – 7.2021) và 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (1.1.1997 – 1.1.2022). Đây là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên. Vui mừng, phấn khởi, tự hào trước sự phát triển của quê hương là cảm xúc chung của người dân xứ Nhãn.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, vùng đất Hưng Yên đã có nhiều tên gọi khác nhau, nhiều lần điều chỉnh về địa giới hành chính. Đến thời Lê, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, nơi đây đã có một địa danh nổi tiếng - Phố Hiến, chốn phồn hoa đô hội, tiểu Tràng An, thương cảng hàng đầu của đất nước, thông thương với các quốc gia trên thế giới. Bởi vị trí, tầm quan trọng và sự phát triển, lưu thông buôn bán nhộn nhịp của thương cảng này mà dân gian đã truyền tụng câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831), từ cuộc cải cách hành chính của triều đình nhà Nguyễn, Hưng Yên - danh xưng gửi gắm ước vọng về vùng đất mãi bình yên, hưng thịnh chính thức được khai sinh. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, bước ngoặt trong tiến trình lịch sử của tỉnh nhà, chứng tỏ vùng đất này đã phát triển tới mức trở thành một đơn vị hành chính độc lập thuộc chính quyền Trung ương để có mặt trên bản đồ Đại Nam. Trải qua 190 năm thành lập, đến nay Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 161 xã, phường, thị trấn, với diện tích đất tự nhiên 930 km2, dân số gần 1,3 triệu người; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Tuy diện tích không lớn, nhưng có vị trí địa lý giáp Kinh thành Thăng Long, “phụ quách” của Kinh đô, một trong Tứ trấn, Hưng Yên là nơi bồi lắng, hội tụ và lan tỏa sự phong phú, độc đáo của vùng văn hoá châu thổ sông Hồng. Truyền thống văn hóa đó phần nào thể hiện thông qua sự hiện diện của các di tích lịch sử - văn hóa trải dài theo tiến trình lịch sử từ đời các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh với trên 1.800 di tích, trong đó có 3 di tích, khu di tích Quốc gia đặc biệt; 172 di tích, khu di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, đứng thứ 3 toàn quốc về số di tích xếp hạng cấp Quốc gia. Đây là những tài sản quý báu, chứa đựng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng đất xứ nhãn lồng.
Phát huy những thành tựu trong chặng đường 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh, với niềm tự hào và niềm tin sâu sắc vào Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và các bậc tiền nhân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Yên nguyện tiếp tục phát huy truyền thống quê hương văn hiến, cách mạng và anh hùng, đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, vượt qua thử thách, khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chủ động, sáng tạo để khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế và nguồn lực quyết tâm phấn đấu xây dựng Hưng Yên giàu, đẹp, văn minh. Tương lai không xaHưng Yên sẽ là thành phố thông minh; phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.